Làm mâm cơm cúng giao thừa và thực hiện cúng năm mới là một thủ tục không thể thiếu khi đến thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Các gia đình có thể làm mâm cơm chay, mâm cơm mặn tùy theo điều kiện cho phép. Ở bài viết này, Imlovinit24 sẽ giúp bạn tìm hiểu về mâm cơm giao thừa của ba miền Bắc, Trung, Nam.
Mục Lục
Nguồn Gốc Của Mâm Cơm Cúng Giao Thừa
Theo phong tục cổ truyền của nước ta, giao thừa là khoảng thời gian đón các vị thiên binh. Đây là 12 vị phán quan đại diện cho 12 con giáp. Họ cùng nhau luân phiên xuống trông coi công việc đời sống của người dưới hạ giới.
Mỗi năm sẽ có một vị phán quan xuống cai quản hạ giới và trình tự cai quản đã được lập sẵn. Mỗi chu kỳ 12 năm, thứ tự cai quản của các quan đã được định sẵn và không có sự thay đổi. Vào thời điểm chuyển giao năm mới, vị quan cũ sẽ trao lại công việc cho vị quan mới tiếp nhận.
Người xưa đã tin rằng Ngọc Hoàng sẽ dựa vào tấu sớ của các vị phán quan để ban phúc hay trừng phạt con người. Việc tốt đẹp hay chuyện xấu của từng gia đình, thôn xóm cho đến quốc gia đều được ghi chép, xem xét để định công luận tội. Vì vậy, mỗi gia đình đều làm lễ cẩn trọng để đón tiếp các quan.
Vì thế gian quá rộng lớn, do vậy, các phán quan sẽ không kịp vào tận trong nhà. Do đó, bàn cúng và mâm cơm cúng giao thừa thường được đặt ngoài cửa chính lớn nhất.
Ý Nghĩa Của Mâm Cơm Cúng Giao Thừa
Nhà nghiên cứu Minh Đường đã ghi trong sách Nghi lễ dân gian – Nghi lễ cúng gia tiên rằng lễ giao thừa, còn được gọi là lễ trừ tịch là một trong những lễ quan trọng nhất trong năm và trong cả dịp lễ Tết Nguyên Đán. Buổi lễ mang một ý nghĩa thiêng liêng quan trọng cho cả năm mới này.
Đây là lễ dâng hương cuối cùng của năm cũ và đầu tiên để đón chào năm mới. Ý nghĩa là “tống cựu nghênh tân”, tiễn đưa vị thần năm cũ và nghênh chào vị thần của năm mới. Kính xin các vị thần phù hộ, ban phát cho gia đình một năm mới bình yên, hạnh phúc và thịnh vượng.
Mâm cơm cúng giao thừa không chỉ là tế lễ đối với hai vị phán quan. Nó còn được dùng để cầu cúng cho Thành hoàng – những người có công với làng và Thổ địa – vị thần trấn giữ cho nhà luôn yên ấm. Hơn cả việc cầu cạnh các vị thần, đây còn là thủ tục quan trọng để đón rước ông bà tổ tiên về chơi tết, đoàn tụ bữa cơm cùng con cháu trong những ngày tết.
Mâm Cơm Cúng Giao Thừa Theo Chuẩn Ba Miền Như Thế Nào?
Ngoài những người theo một số đạo đặc biệt, các gia đình tại cả ba miền nước ta đều có tập tục làm mâm cơm cúng giao thừa. Tuy nhiên, mâm cơ tại mỗi miền lại có sự khác nhau ít nhiều. Nguyên nhân vì mỗi miền sẽ sử dụng món ăn đặc trưng và cách chế biến khác nhau.
Cách Chuẩn Bị Mâm Cơm Cúng Giao Thừa May Mắn Theo Miền Bắc
Mâm cúng giao thừa của người Bắc phong phú và đa dạng sắc màu. Một mâm thông thường sẽ có 4 bát, bốn đĩa tượng trưng cho 4 mùa và 4 phương. Nếu mâm lớn thì có để để 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa. Chúng đặc trưng cho sự phát tài và phát lộc.
Các bát là món thịt nấu đông, miến dong, thịt hầm rau củ và một món canh. Các dĩa thường là xôi đỗ xanh, gà luộc hoặc đầu lợn luộc, bánh chưng, giò lụa, trầu cau vàng mã.
Gà được sử dụng thường là gà trống có cựa. Các cụ xưa nói rằng Giao thừa là đêm mà mặt trời ngủ sâu nhất. Do vậy vong hồn ma quỷ sẽ đi lại nhiều và lộng hành.
Tiếng gáy của gà trống cựa là to nhất nên sẽ đánh thức được mặt trời dậy chiếu sáng rực rỡ. Như vậy mới có hi vọng một năm sáng sủa, thời tiết mưa thuận gió hòa, sức khỏe dồi dào và tiền tài thịnh vượng.
Cách Chuẩn Bị Mâm Cơm Cúng Giao Thừa May Mắn Theo Miền Trung
Khác với mâm cỗ miền Bắc chỉ dùng bánh Trưng, mâm cúng giao thừa miền Trung có cả bánh chưng và bánh tét. Các món ăn thường thấy trên mâm đó là:
- Dưa muối chua
- Giò lụa Huế
- Thịt nấu đông
- Thịt gà xé bóp rau răm
- Chả Huế
- Thịt heo luộc
- Bát canh măng khô ninh với xương
- Miến dong
- Cá chiên
- Ram rán
Tùy vào điều kiện mà từng gia đình sẽ chuẩn bị mâm cơm phù hợp. Khi cúng xong các thành viên trong gia đình sẽ trực tiếp ăn nên có thể thêm và bớt vài món phù hợp khẩu vị, tránh lãng phí không cần thiết.
Cách Chuẩn Bị Mâm Cơm Cúng Giao Thừa May Mắn Theo Miền Nam
Do thời tiết miền Nam nắng nóng quanh năm nên mâm cơm cúng giao thừa ở đây ưu tiên các món nguội. Những món đặc trưng cần có trên mâm đó là:
- Bánh chưng
- Canh măng tươi
- Canh mướp đắng nhồi thịt
- Thịt kho trứng vịt
- Gỏi tôm thịt
- Chả giò
- Dưa giá
- Củ kiệu
- Bánh tét kèm bát củ cải ngâm nước mắm
Thời Gian Phù Hợp Để Cúng Mâm Cơm Cúng Giao Thừa Là Khi Nào?
Lễ cúng giao thừa cũng có thời gian “hoàng đạo” để thực hiện. Tính theo lịch âm, giờ Tý tức là từ 23 giờ ngày cuối cùng của năm (có thể là ngày 29 hoặc ngày 30) đến trước 1 giờ sáng ngày 1/1 đầu năm là khoảng thời gian phù hợp để thực hiện.
Văn Khấn Cúng Giao Thừa Nên Đọc Ở Đâu?
Khi cúng giao thừa thì không thể thiếu văn khấn. Những bài văn này được viết đầy đủ trong cuốn “Văn khấn cổ truyền của người Việt” được xuất bản bởi Nhà xuất bản Hồng Đức.
Trước đây, người thực hiện hoạt động khấn vái là trạch chủ trong gia đình. Tức người đàn ông trụ cột trong nhà. Tuy nhiên, ngày nay nam nữ đã bình đẳng nên bố hoặc mẹ đều có thể thực hiện nghi lễ này.
Trước khi thờ cúng, người thực hiện cần để cơ thể thật sạch sẽ. Trước đó không nên ăn những món thuộc tứ linh hay thịt từ cá chép, chó, mèo, rùa… Người phụ nữ cần chú ý đến chu kỳ kinh nguyệt. Nếu đến kỳ thì không nên thực hiện thờ cúng.
Cúng Giao Thừa Xong Có Hóa Vàng Không?
Việc hóa vàng thường sẽ phụ thuộc vào gia đình cúng trong nhà hay ngoài trời. Nếu thực hiện cúng ngoài trời, sau khi đã hoàn thành thì sẽ đốt vàng mã ở lễ này. Còn cúng lễ trong nhà thì sẽ hóa vàng sau. Thời gian để hóa vàng cho lễ cúng trong nhà thường rơi vào mùng 4 đến mùng 10 tháng Giêng.
Một Số Việc Làm Nên Kiêng Khi Cúng Lễ Giao Thừa
Để có một năm mới suôn sẻ thuận lợi thì ở khoảnh khắc chuyển giao, mỗi người nên tránh thực hiện một số hành động sau:
- Không được nói những lời xui xẻo, không may mắn.
- Không nên cãi vã to tiếng. Tránh để dịp đầu xuân năm mới không khí căng thẳng vì những xích mích hiểu lầm không đáng có.
- Không nên ăn cháo gạo trắng.
Vì Việt Nam là một quốc gia trải dài, mỗi miền có điều kiện thời tiết khác nhau nên đều có nét ẩm thực và khẩu vị đặc trưng. Dù các món trong mâm cơm cúng giao thừa có khác nhau ít nhiều nhưng ý nghĩa chung đều hướng về tổ tiên, chúc mừng sự sum vầy đầm ấm và đón chào năm mới an khang thịnh vượng. Bạn đọc hãy tiếp tục theo dõi Imlovinit24 để cập nhật những bài viết mới nhất về ẩm thực Việt.